Chia sẻ kiến thức giúp bé ngoan
Dạy bé tự đi vệ sinh giúp việc bài tiết trở nên nhẹ nhàng:
Việc tập cho trẻ tự đi vệ sinh giúp bé hình thành thói quen bài tiết tốt, có lợi cho hệ tiêu hóa. Việc này sẽ giúp bé giữ vệ sinh tốt hơn, đồng thời mẹ đỡ vất vả khi chăm bé.
Cũng như bao mẹ khác, mẹ Nhật cũng có nhiều nỗi lo về chuyện bài tiết của trẻ như: Khi nào thôi đóng bỉm cho trẻ? Trẻ không báo trước khi muốn tiểu tiện, đại tiện! Trẻ không chịu ngồi bô!… Tuy nhiên, các mẹ không nên quá đau đầu cho vấn đề này, hầu hết các bé có thể bắt đầu thói quen bài tiết tự lập khi được dùng bỉm và thói quen này sẽ hoàn thiện dần để trẻ có thể tự kiểm soát khi khoảng 4 tuổi. Mấu chốt để hành thành thói quen và sự kiểm soát là mẹ kiên trì quan sát và hướng dẫn bé.
Đối với trẻ còn đóng bỉm, cha mẹ hãy chú ý tín hiệu trẻ đưa ra khi đại tiện hoặc tiểu tiện để nhanh chóng thay bỉm cho bé. Đừng quên nói những lời tích cực như: “Con ị nhiều thế!” hoặc “Đã sạch sẽ thơm tho rồi con!” Trẻ sẽ trải nghiệm cảm giác thoải mái khi được sạch sẽ trở lại.
Khi bé đã biết ngồi bô, mẹ đừng bỏ qua tín hiệu muốn bài tiết của trẻ, nhanh chóng giúp trẻ vào vị trí. Khi trẻ đại, tiểu tiện xong, cha mẹ cùng bé kiểm tra nước tiểu và phân để phát hiện tình trạng bất thường nếu có. Cha mẹ không quên khen ngợi con đã biết “đi bô” hay ngồi bệ xí (thiết bị vệ sinh, dùng để đi đại tiện, tiểu tiện) để khuyến khích con. Khi bé lỡ tè hay ị ra quần, cha mẹ không nên trách mắng hay trêu ghẹo, nhất là khi có mặt người khác. Hành động này sẽ khiến trẻ xấu hổ, tự ti.
Bên cạnh đó, cha mẹ không nên so sánh con mình với các bé khác. Nhiều trẻ được tập thói quen tự đi vệ sinh từ rất sớm, nhưng thời điểm các bé có thể tự ngồi (không cần trợ giúp) hầu như là giống nhau. Để tạo cảm giác dễ chịu cho bé khi đại, tiểu tiện trong nhà vệ sinh, cha mẹ có thể trang trí thêm tranh ảnh, các vật dụng dễ thương và trang bị đủ ánh sáng.
Sự tự lập bài tiết có liên quan mật thiết với nhịp điệu sinh học của trẻ. Do đó, cha mẹ nên tập cho bé ngủ sớm, dậy sớm, vận động và ăn uống theo khung giờ ổn định, tương thích với nhiệp sinh học cơ thể bé, đặc biệt là vấn đề tiêu hóa – bài tiết. Ngoài ra, cha mẹ cần chọn các loại thực phẩm, sữa tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ, ngăn ngừa táo bón để nhịp điệu bài tiết của trẻ ổn định. Với sự quan sát tinh tế và sự hỗ trợ tâm lý của cha mẹ, trẻ sẽ dần hiểu được nhu cầu bài tiết của bản thân và tự kiểm soát, tự làm việc đó một mình.
Hành trình dạy con tự lập là một hành trình dài mà cha mẹ cần kiên nhẫn, vượt khó để đồng hành cùng con trẻ. Bài học tự lập với việc tự ăn uống và đi vệ sinh là khởi đầu cơ bản nhất, cần thiết nhất giúp bé rèn luyện thói quen từ sớm để phát triển, hoàn thiện bản thân từ những điều đơn giản. Những bí quyết của mẹ Nhật sẽ giúp bạn rèn con thật dễ dàng.
Viết bình luận