Các trò chơi cho mẹ và bé phát huy kỹ năng toàn diện
Nhận biết các bộ phận cơ thể
Bồi dưỡng kỹ năng:
Học cách nhận biết tên gọi, vị trí và tác dụng của các bộ phận cơ thể; để trẻ nhận biết chính xác các bộ phận, phát triển nhận thức của bản thân trẻ; bồi dưỡng khả năng quan sát, trí tưởng tượng, khả năng biểu đạt và trí nhớ cho trẻ.
Độ tuổi thích hợp:
9 tháng tuổi.
Chuẩn bị trò chơi:
Hình vẽ các bộ phận cơ thể, ba hình về bộ mặt và các thẻ về các bộ phận trên khuôn mặt, một chiếc gương.
Phương pháp và các bước thực hiện:
Mẹ ngồi đối diện với trẻ, vừa hát[1] vừa chỉ vào các vị trí bộ phận của mìnhctương ứng theo lời bài hát, sau đó đọc lại một lượt. Đồng thời nắm lấy tay trẻ chỉ vào vị trí các bộ phận tương ứng của trẻ. Cứ lặp lại như vậy cho đến khi trẻ biết tự mình chỉ vào các bộ phận cơ thể thì thôi.
[1] Có thể mẹ tự sáng tác lời làm sao có các từ chỉ bộ phận trên khuôn mặt là được.
- Mẹ và trẻ vừa vỗ tay vừa nói: “Đôi mắt, đôi mắt ở đâu nào?”
- Trẻ vừa vỗ tay vừa nói: “Đôi mắt, đôi mắt ở đây này”. (đến phần vỗ tay cuối cùng, tự tay chỉ vào đôi mắt của mình).
- Chỉ vào mũi, vào miệng, v.v..., cách làm cũng tương tự như vậy.
Lời khuyên
Thứ tự để trẻ nhận biết các bộ phận trên cơ thể: đầu tiên là mắt, tai, miệng, mũi, tay, chân, sau đó mới biết bụng, mông, và cuối cùng là vai, đầu gối, v.v...
Phát triển trí tuệ
Trẻ không chỉ nhận biết được các giác quan, mà còn có thể nhận biết được các bộ phận trên cơ thể như rốn, lỗ tai, móng tay, v.v..., cho nên khi dạy trẻ, người mẹ có thể hỏi ở phạm vi rộng hơn. Mẹ hãy để trẻ tự chỉ vào các bộ phận đã biết hoặc muốn biết, giúp trẻ nhớ được lâu hơn.
Nhận biết hình vẽ
Bồi dưỡng kỹ năng:
Dạy trẻ biết xem hình và nhận biết các đồ vật trong hình, chuẩn bị cho trẻ sớm nhận biết các đồ vật.
Độ tuổi thích hợp:
9 tháng tuổi.
Chuẩn bị trò chơi:
Hình vẽ về hoa quả (chuối, táo, nho, dưa hấu, cam,...).
Phương pháp và các bước thực hiện:
- Treo lên tường một số hình vẽ về hoa quả.
- Mẹ đứng bế trẻ, đi gần đến chỗ hình vẽ để trẻ quan sát hình, mẹ chỉ vào một loại hoa quả nào đó rồi nói tên của loại quả đó, sau đó để trẻ học cách chỉ vào.
- Đợi khi trẻ đã dần nhận biết được các hình vẽ treo trên tường, mẹ có thể dùng hoa quả thật để trẻ nhận biết. Khi chỉ hoa quả cho trẻ, tốt nhất người mẹ kết hợp miêu tả màu sắc, mùi vị, kích cỡ của hoa quả, lặp lại nhiều lần như vậy giúp trẻ có được nhận thức về hoa quả.
Lời khuyên
Phải thường xuyên cho trẻ học cách lựa chọn và chỉ chính xác hình vẽ, nếu sau vài ngày mà không luyện tập lại, sự liên hệ này của trẻ sẽ bị mất đi. Tốt nhất dùng các hình vẽ gần với vật thật, không chọn các loại thẻ hình ảnh trò chơi.
Phát triển trí tuệ
Các trò chơi trên có thể thực hiện như sau:
- Mẹ ôm lấy trẻ ngồi ở trên giường, lấy ảnh của mọi người trong nhà (mẹ, bố, ông nội, bà nội, trẻ, v.v...) xếp trước mặt trẻ.
- Trước tiên để trẻ nhìn kỹ một lượt các ảnh đó.
- Mẹ thử lấy các ảnh của bà nội ra, lần lượt cho trẻ xem và nói: “Đây là bà nội”.
- Theo các thao tác kể trên, mẹ giúp trẻ nhận biết ảnh của bố, ông nội, của mẹ và của trẻ.
- Lặp lại nhiều lần như vậy, trẻ sẽ nhanh chóng có được cảm nhận, khi gặp người trong nhà sẽ nghĩ ngay tới người thân ở trong ảnh.
Dùng thìa xúc ăn
Bồi dưỡng kỹ năng:
Tập tự xúc cơm.
Độ tuổi thích hợp:
9 tháng tuổi.
Chuẩn bị trò chơi:
Thìa, thức ăn dạng hạt nhỏ, quả táo nhỏ, đồ chơi.
Phương pháp và các bước thực hiện:
- Trước khi dạy trẻ biết cách dùng thìa, bình thường mẹ có thể lấy thìa cho trẻ chơi, cũng có thể để trẻ cầm thìa xúc cơm, hoa quả thái nhỏ hoặc các thức ăn đồ chơi khác, để trẻ dần học được cách cầm thìa chính xác và biết sử dụng thìa.
- Mẹ luôn khích lệ trẻ tự mình ăn thức ăn. Việc tự mình cầm thức ăn ăn có thể giúp tay cầm chắc các thức ăn, chuẩn bị cho việc trẻ tự cầm thìa ăn sau này.
- Khi mới bắt đầu, mẹ có thể chuẩn bị hai chiếc thìa, một chiếc để trẻ cầm học cách ăn, một chiếc khác để mẹ cho trẻ ăn thức ăn, như vậy thì không sợ trẻ bị đói, lại cũng tạo cơ sở để trẻ tự ăn sau này.
Lời khuyên
Khi mới bắt đầu, trẻ cầm thìa cả bằng tay trái và tay phải, khi đó mẹ không nên bắt trẻ phải sửa, sử dụng thành thạo cả hai tay cũng có ích cho sự phát triển đại não bên trái và bên phải của trẻ. Muốn dạy được trẻ biết cách tự ăn bằng thìa thì phải có đủ thời gian và sự kiên nhẫn. Ở bàn ăn, trẻ có thể có các hành vi như cầm thìa gõ hoặc thả thứ gì đó vào bát canh, v.v... mẹ không nên mắng trẻ.
Phát triển trí tuệ
Làm thế nào để biết được trẻ muốn tự mình cầm thìa ăn cơm? Khi xuất hiện các hành động sau, mẹ có thể dạy trẻ học cách ăn cơm:
- Khi ăn, trẻ thích dùng tay nắm lấy cơm, cháo.
- Đã biết cầm cốc uống nước.
- Khi cơm trong thìa sắp rơi xuống, trẻ biết chủ động đưa thìa lên miệng.
Ngoài ra còn có các trò chơi cho mẹ và bé khác với vô vàn đồ chơi thú vị và hữu ích tại đồ chơi bé gái và đồ chơi bé trai giúp bé khám phá những điều mới lạ thông qua các trò chơi và thế giới xung quanh.